Thiếu hụt Vitamin B12 theo phân tích của BMJ
Tóm tắt
◊ Thường biểu hiện với chứng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, nhưng cũng có thể biểu hiện với những rối loạn về tâm thần kinh
◊ Những người cao tuổi, bệnh nhân bị chứng kém hấp thu mạn tính, bệnh nhân có tiền sử cắt bỏ hoặc nối tắt dạ dày, và những người dùng một số loại thuốc nhất định (metformin, thuốc ức chế bơm proton) có nguy cơ mắc bệnh.
◊ Chẩn đoán sớm rất quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự tiến triển của các chứng rối loạn thần kinh như bệnh lý thần kinh ngoại biên và sa sút trí tuệ.
◊ Nồng độ axit methylmalonic và homocysteine có thể giúp chẩn đoán thiếu hụt vitamin B12 ở tình trạng ban đầu, chưa có triệu chứng.
◊ Cần tìm ra nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B12 khi đã xác nhận được chẩn đoán.
◊ Điều trị bằng liệu pháp vitamin B12 liều cao đường uống có thể có hiệu quả như liệu pháp vitamin B12 tiêm bắp.
Thông tin cơ bản
Định nghĩa
Thiếu hụt vitamin B12 là tình trạng thường gặp có thể biểu hiện với các chứng rối loạn thần kinh, tâm thần và huyết học. Vitamin B12 là vitamin thiết yếu và tình trạng thiếu hụt thường xảy ra khi hấp thu không đủ hoặc cung cấp qua thức ăn không đủ. Mặc dù tình trạng thiếu hụt nặng có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn, thế nhưng các biểu hiện ban đầu thường không dễ phát hiện hoặc không có triệu chứng.
Khả năng thiếu hụt vitamin B12 được xác định theo nồng độ vitamin B12 trong huyết thanh như sau: <148 picomol/L (<200 picogam/mL) cho thấy có khả năng cao xảy ra tình trạng thiếu hụt, 148 đến 258 picomol/L (201-350 picogam/mL) cho thấy có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt, và >258 picomol/L (>350 picogam/mL) cho thấy không có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt.[1] [2]
Dịch tễ học
Nghiên cứu Framingham Offspring Study thấy đến 39% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 (được định nghĩa là vitamin B12 trong huyết thanh <258 picomol/L [<350 picogram/mL]).[3] Tỷ lệ hiện mắc tăng theo độ tuổi và dao động từ 5% đến 15% ở người cao tuổi tùy thuộc vào nhóm đối tượng được nghiên cứu và phương pháp chẩn đoán.[4] [5] [6] [7]
Thiếu hụt vitamin B12 do dinh dưỡng không thường gặp ở Hoa Kỳ, nhưng có thể thấy rõ ở những người ăn chay không dùng thực phẩm bổ sung. Trên toàn cầu, tỷ lệ hiện mắc thiếu hụt vitamin B12 có thể cao hơn ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Một số nghiên cứu đã phát hiện thấy bằng chứng cho thấy nồng độ vitamin B12 trong huyết thanh thấp (<148 picomol/L [<200 picogam/mL]) ở 25% đến 70% nhóm đối tượng được nghiên cứu.[8] [9] [10] [11] Khi số lượng thủ thuật phẫu thuật nối tắt dạ dày điều trị bệnh béo phì ngày càng tăng, có khả năng tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ hiện mắc thiếu hụt vitamin B12 sẽ tăng ở Hoa Kỳ.[12] Một đánh giá hệ thống đã phát hiện thấy tình trạng thiếu hụt vitamin B12 thường gặp trong thời gian mang thai và nồng độ vitamin B12 giảm từ ba tháng đầu thai kỳ đến ba tháng cuối thai kỳ.[13]
Bệnh căn học
Vitamin B12 là một vitamin thiết yếu chỉ nhận được từ chế độ ăn uống hoặc bằng cách bổ sung. Các nguồn dinh dưỡng bao gồm các sản phẩm từ sữa và động vật như thịt, gia cầm, sữa và trứng. Nguồn dự trữ vitamin B12 trong gan vẫn còn trong cơ thể trong nhiều năm, do đó thiếu hụt vitamin B12 phụ thuộc vào tình trạng thiếu hụt mạn tính, lâu dài.
Bất cứ yếu tố nào làm giảm lượng thu nạp hoặc hấp thu vitamin B12 cũng khiến mọi người có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12. Nhìn chung, căn nguyên gây thiếu hụt vitamin B12 có thể được phân thành:
- Giảm cung cấp từ thực phẩm
- Giảm phân giải vitamin B12 từ thức ăn trong dạ dày
- Kém hấp thu từ đường tiêu hóa.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin B12 bao gồm:
- Chế độ ăn chay nghiêm ngặt
- Tiền sử phẫu thuật dạ dày hoặc ruột
- Tiền sử viêm teo dạ dày
- Thiếu máu ác tính, một tình trạng trong đó sự phá hủy do cơ chế tự miễn của các tế bào thành sản sinh ra yếu tố nội tại dẫn đến giảm hấp thu vitamin B12 từ đường tiêu hóa
- Kém hấp thu trong dạ dày.
Xem đầy đủ tại: https://nhathuocngocanh.com/thieu-hut-vitamin-b12-theo-phan-tich-cua-bmj/